Kinh doanh bán card sỉ (cấp II)

Với số vốn 50 triệu bạn quyết định thử theo con đường kinh doanh bán card sỉ (cấp II) và muốn biết nó có lãi đáng để đầu tư hay không? Tôi xin chia sẻ vài kinh nghiệm của bản thân để các bạn tham khảo.

Với bài viết “Kinh doanh bán card cá nhân” khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, có vẻ mọi người cũng không để ý đến chữ CÁ NHÂN tôi để trên tựa bài, vì đối tượng tôi viết lúc ấy cũng là dành cho những người bán như tôi (học sinh – sinh viên, bà nội trợ, nhân viên,…), nhưng nhìn các từ khóa các bạn tìm kiếm trên trang của tôi nhiều bạn muốn tìm hiểu bán sỉ, nên sau vài năm, chuyền từ “bán card cá nhân” lên “bán card sỉ” tôi mới có thể viết tiếp bài này, nếu có gì thiếu soát các bạn cứ đóng góp hoặc bỏ qua, vì tuổi đời của tôi không lớn cũng như kinh nghiệm còn rất non trẻ.

1. Kinh doanh card sỉ (cấp II) là gì?

Là một cửa hàng bán card nhập hàng từ các đại lý cấp I, hầu hết mỗi tỉnh chỉ có 1 hoặc 2 đại lý cấp I, họ sở hữu vốn đầu tư khá lớn (mỗi đơn hàng của MỖI LOẠI card lên đấy hàng trăm triệu), mối quan hệ của họ cũng rất rộng và một vài yếu tố may mắn nữa. Vì vậy nếu bạn có trong tay chỉ khoảng dưới 100 triệu thì đừng nghĩ đến trở thành đại lý cấp 1.

Nếu chỉ bán card thì xin chìa buồn...
Nếu chỉ bán card thì xin chìa buồn…

2. Có lãi hay không?

Nếu bạn chỉ kinh doanh bán card và giao card sỉ cho những người “bán card cá nhân” thì câu trả lời là có NHƯNG không hề đáng công sức, thời gian và tiền bạc của bạn đã bỏ ra đâu. Vì vậy, thay vì xem đây là thu nhập chính cho cửa hàng hãy xem đây là cách chiêu dụ các khách hàng đến tham quan và mua những sản phẩm khác của bạn, vì ai cũng cần mua card điện thoại để dùng hằng ngày, ngoại trừ một nhóm người tiếp xúc công nghệ họ có thể thanh toán mua card qua hệ thống ngân hàng hoặc các ví điện tử khác.

3. Lập kế hoạch

a) Cần bao nhiêu vốn?

Trên 50 triệu là điều chắc chắn, với việc “Kinh doanh bán card cá nhân” đã cần 10 triệu, thì khi bạn muốn tăng bậc lên thì cần nhiều vốn hơn thế. Diện tích dành riêng cho khu vực bán card chỉ cần khoảng 10m2 đủ để một cái bàn chữ L (khoảng 10 triệu tùy nơi bạn sống) và khu vực cho khách hàng. Nếu chỉ bán card để khách hàng đến rồi sẵn chào hàng những món khác thì vốn lấy card khoảng 30-40 triệu là hợp lý, còn dư 10 triệu (hoặc hơn số này) bạn sẽ mua sim (thị trường đang siết chặt kinh doanh cực kỳ khó khăn), điện thoại, tai nghe, pin,…

Lời khuyên: đừng bỏ vào loại hình kinh doanh bán sỉ cấp II này quá 50 triệu, số dư ra hãy kinh doanh thêm các sản phẩm khác, chỉ xem nó như cách chiêu dụ khách hàng đến tham quan cửa hàng của bạn.

b) Đánh giá thị trường

Nếu gần nơi bạn sống đã có đại lý cấp I thì bạn nên từ bỏ ý định kinh doanh bán card sỉ, thay vào đó nên kinh doanh bán card cá nhân số vốn còn lại dùng để kinh doanh thứ khác. Nếu xa thì bạn cũng đừng có vội mừng, tôi chỉ bán cao hơn 0,1% so với giá của đại lý cấp I cách tôi 15km nhưng người ta vẫn ráng mà chạy xe xuống kia mua để được rẻ hơn vài nghìn đồng. Chỗ tôi trước đây cũng nhiều người đua đòi kinh doanh bán sỉ lắm nhưng giờ xuống kinh doanh cá nhân hết rồi, vì cực, lãi quá thấp không đáng công.

Lời khuyên: Nếu không có những dự định đặc biệt thì tốt nhất là không nên trở thành đại lý bán sỉ cấp II.

Sự cạnh tranh thì cực kỳ gay gắt
Sự cạnh tranh thì cực kỳ gay gắt

c) Tiến hành

Nếu có sẵn mặt bằng thì quá tuyệt, dĩ nhiên tùy theo những sản phẩm kèm theo card là gì mà sẽ cần những diện tích khác nhau, theo quan sát của tôi có những nhóm cấp II sau:

Kinh doanh dịch vụ Internet nhỏ (khoảng 20 máy trở xuống): tôi thấy có rất nhiều quán NET kiêm luôn giao card sỉ thế này và làm ăn cũng ổn, nhưng có vẻ là lãi từ dịch vụ bán card sỉ không đáng bao nhiêu nhưng lại cần tính toán khá phiền phức, nếu không thích suốt ngày chạy tới chạy lui đi mua card về bán thì tôi nghĩ bạn không nên. (ngoại trừ bạn có số vốn đủ nhiều mua card dư dả)

Kinh doanh tiệm điện thoại: Hầu hết là chỗ nào cũng treo bán card điện thoại hết nhưng mà tôi cảm giác “không quen” vào đây mua, đa phần là chạy qua tạp hóa mua (trước khi tôi kinh doanh bán card), tôi thấy hình thức này không khả quan cho lắm, vì dù cùng là viễn thông nhưng một bên là cung ứng dịch vụ một bên là “phần cứng” không ăn nhập nhau, nửa nạc nửa mỡ. Hãy nhớ, kinh doanh gì thì khi nhắc đến họ phải biết bạn kinh doanh cái gì, nếu không đừng hỏi sao bạn thua lỗ.

Kinh doanh tạp hóa: Không có gì để bàn, lời khuyên ai bán tạp hóa thì chí ít hãy kinh doanh card cá nhân.

Kinh doanh card sỉ cấp II: ngược với tất cả loại hình trên, mặc dù card là mặt hàng chính, nhưng lãi thực sự lại là những phẩm đi kèm theo nó, khi khách hàng vào mua card, họ sẽ nghía qua những sản phẩm bạn trưng bày kèm theo, ví dụ: Cuối năm tôi treo lịch gỗ, họ vào mua card rồi sẵn hỏi mua luôn, Noel tôi trưng đồng hồ, ngày thường thì tôi bán sim, thẻ nhớ, loa nghe nhạc, điện thoại dành cho người đi làm (kiểu phím bấm, pin trâu, loa to, dễ dùng, ít xảy ra lỗi),…

Bán kèm với điện thoại
Lựa chọn những chiếc điện thoại rẻ, phù hợp với số đông.

Đó là những trải nghiệm của tôi, các bạn có thể tham khảo và đóng góp cũng như thực hiện theo thử, chúc các bạn thành công!

Dưới đây là file quản lý bán hàng card sỉ của tôi. Do tôi dùng thiết bị di động (không chạy macro được) nên dùng hàm khá là dài dòng, nhưng tiện cho các bạn để tính toán, tôi không dùng máy in và máy tính vì đây không phải là kinh doanh chính, tôi chỉ làm thử để có thêm kinh nghiệm và tích lũy vốn cho những dự án lớn hơn.

File demo: Quản lý bán card sỉ

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.